THƯ VIỆN THÂN THIỆN ĐẾN VỚI HỌC SINH MIỀN NÚI

14/03/2022

Để học sinh dễ dàng tiếp cận với sách, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh các cấp tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mới đây, CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương (Công ty CP Xây dựng Sài Gòn – SCC) phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Phú Yên, Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân tổ chức khánh thành, đưa vào hoạt động Thư viện Thân thiện tại Trường tiểu học Phú Mỡ và Trường phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) huyện Đồng Xuân.

 

Học sinh Trường phổ thông DTNT huyện Đồng Xuân đọc sách tại Thư viện Thân thiện của trường. Ảnh: KIM CHI

 

Việc đưa mô hình Thư viện Thân thiện đến với các trường học trên địa bàn huyện Đồng Xuân sẽ góp phần nâng cao tri thức cho giáo viên và học sinh.

Sẽ thường xuyên đến thư viện

Trước tiên, Thư viện Thân thiện mang đến một diện mạo mới, thân thiện cho học sinh qua những bức vẽ sinh động trên tường, không gian đọc sách bài trí bắt mắt, xinh xắn. Đặc biệt, nguồn sách tham khảo phong phú với nhiều thể loại như truyện chữ, truyện tranh, sách văn học, lịch sử, kiến thức khoa học, kỹ năng sống… đã thu hút sự tò mò, khám phá của nhiều học sinh. Đây cũng là nền tảng để các em có kỹ năng và thói quen đọc sách, tiếp cận chân trời tri thức mới, nâng cao hiệu quả học tập và kỹ năng sống.

Bước vào không gian thư viện được đặt trên tầng lầu của trường, em Mang Thị Tâm Như, học sinh lớp 7 Trường phổ thông DTNT huyện Đồng Xuân như vỡ òa vì chưa bao giờ được nhìn thấy một không gian đọc sách đẹp như thế. Nhanh tay chọn một số sách mà mình thích, Tâm Như bày tỏ: “Thầy cô đã dạy cho chúng em rất nhiều điều, nhiều kiến thức. Song chúng em cũng mong muốn có một thư viện với đủ thể loại sách để tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh, nâng cao kiến thức. Các anh chị trong CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương đã xây dựng Thư viện Thân thiện cho trường rất đẹp với rất nhiều sách. Từ đây chúng em thỏa sức tìm tòi, sáng tạo”.

La Thị Mỹ Thúy, bạn học cùng lớp với Tâm Như, vui mừng chia sẻ: “Có Thư viện Thân thiện với nhiều sách mới, đủ thể loại, em rất thích. Em sẽ thường xuyên đến đây để được đọc nhiều hơn, biết thêm nhiều điều hay, bổ ích”. Còn em La Thiện Nhân, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phú Mỡ, không giấu được niềm phấn khích trước không gian của Thư viện Thân thiện vừa khánh thành, nói: “Em chưa bao giờ thấy nhiều sách như thế này. Em thích đọc truyện tranh; giờ thư viện của trường có rất nhiều truyện tranh, em tha hồ đọc để trau dồi thêm tiếng Việt”.

Phát triển văn hóa đọc

Theo thầy Huỳnh Ngọc Sáng, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTNT huyện Đồng Xuân, 235 học sinh của trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có độ tuổi từ 11-14. Ngoài chương trình học bắt buộc, nhà trường chú trọng hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, từ đó gia tăng vốn tiếng Việt, giúp các em bổ sung nhiều kiến thức. “Tuy nhiên, điều kiện vật chất của nhà trường còn hạn chế, số lượng đầu sách ít, đặc biệt là sách tham khảo. Vì vậy, khi CLB về trường khảo sát để nâng cấp thư viện trường và tặng sách, chúng tôi rất mừng. Thư viện Thân thiện làm giàu tri thức cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển văn hóa đọc và tạo cơ hội cho các em được khám phá những điều thú vị qua các trang sách”, thầy Sáng nói.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cho biết: Thư viện Thân thiện là mô hình thực sự ý nghĩa và thiết thực, giúp học sinh vùng sâu vùng xa của tỉnh được tiếp cận thêm nhiều điều bổ ích. Những trang sách sẽ mở mang tri thức cho các em, giới thiệu với các em về thế giới rộng lớn bao la và muôn màu muôn vẻ, nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão hướng tới tương lai xán lạn. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đại diện CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương, Thư viện Thân thiện ở huyện Đồng Xuân là hai trong bốn thư viện tại Phú Yên, thuộc chuỗi 10 thư viện của chương trình “Lan tỏa yêu thương, ươm mầm tri thức” được CLB triển khai tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, tài trợ cho thư viện Trường phổ thông DTNT huyện Đồng Xuân: 1.000 đầu sách tham khảo mới, vẽ tranh tường, trang bị mới la phông, đèn, kệ sách, bàn đọc… (trị giá 83 triệu đồng); tài trợ cho thư viện Trường tiểu học Phú Mỡ: 1.000 đầu sách tham khảo mới, sơn tường, sửa chữa thông hai cửa phòng kho và phòng đọc, trang bị thảm xốp, bàn đọc, kệ sách, tranh bạc in tường (trị giá 70 triệu đồng).

Báo Phú Yên