DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN “CHỚI VỚI” KHI BỊ SIẾT VỐN
Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Anh – Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC).
Ông Trần Việt Anh, cho biết theo thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 9.2022 về kết quả điều hành tín dụng và định hướng những tháng cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở: kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Trong đó, đối với nhóm Ngân hàng Thương mại cổ phần có vốn Nhà nước thì Agribank và Vietcombank lần lượt được nới 3,5% và 2,7% trong khi VietinBank và BIDV chỉ được thêm khoảng 0,7% do 2 ngân hàng này đã có mức room đầu năm cao hơn hẳn so với các năm trước. Một số ngân hàng TMCP tư nhân có mức room mới tương đối cao như HDBank (+3,4%), MBBank (+3,2%), SHB (+3,2%), Techcombank, ACB, VIB cùng được 2,7%, Tienphong Bank (+1,2%) và VPBank (+0,7%)… Trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan chức năng, tránh những hệ lụy có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư cá nhân sau việc hơn 10.000 tỉ đồng trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bị hủy bỏ, gây những hệ lụy không nhỏ và trong ngắn hạn sẽ không còn là kênh huy động dễ dàng cho các doanh nghiệp.
Trước việc siết tín dụng trên, doanh nghiệp có kỳ vọng gì thưa ông?
Đây là một thông tin rất tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vì nhu cầu sử dụng vốn những tháng cuối năm thường rất cao. Đặc biệt trong năm 2022, sau những tháng đại dịch Covid-19 thì nhu cầu vốn đã tăng nóng ngay từ đầu năm dẫn đến các ngân hàng hết room tín dụng từ rất sớm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng liệu hạn mức tín dụng được nới thêm này có đáp ứng được “cơn khát” vốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân hay không? Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo các quy định về rủi ro và quản trị, nhiều ngân hàng sẽ giải ngân theo hướng chọn lọc vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn; cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan… nên các ngân hàng sẽ rất thận trọng trong việc giải ngân do phải cân đối nguồn vốn trong phạm vi có thể. Việc các ngân hàng hết room tín dụng từ tháng 5.2022 nên các hồ sơ từ đó đến nay sẽ được ưu tiên giải quyết dẫn đến việc các hồ sơ giải ngân mới sẽ bị hạn chế. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, giải ngân đối với các gói, chương trình vay vốn hỗ trợ, ưu đãi, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại… Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho các ngân hàng nhưng việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn vay trong giai đoạn này vẫn hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đơn cử trong lĩnh vực bất động sản, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn thì nguồn cung bất động sản sẽ giảm, đẩy mức giá tăng lên bất hợp lý, dẫn đến các chi phí sản xuất các ngành liên quan (bán lẻ, sản xuất công nghiệp…) tăng cao, là nguyên nhân gây tổn hại đến nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
Ông có kiến nghị gì đối với việc siết tín dụng hiện nay thưa ông?
Với số vốn khoảng 450.000 tỉ đồng được bơm ra nền kinh tế, nhưng chỉ một lượng hạn chế được giải ngân cho bất động sản. Lý do ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh nên lần mở room tín dụng này khó tạo sự ấm lên cho thị trường bất động sản. Việc phân bổ room dù giúp tính thanh khoản của thị trường cải thiện hơn, nhưng cũng không nhiều. Việc phân bổ room tín dụng tác động không nhiều, khó giúp thị trường ấm lại như trước, nhưng cũng giúp cho thị trường bớt căng thẳng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp đầu tư và người mua nhà.
Theo ông Trần Việt Anh, đã đến lúc cần xem bất động sản là một loại hàng hóa đặc biệt, bởi nó tác động đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Theo thống kê, bất động sản liên quan và tác động đến khoảng 35 ngành nghề. Trong đó, 4 ngành lớn có liên quan bất động sản nhiều nhất gồm: xây dựng, du lịch, lưu trú, tài chính – ngân hàng. Năm 2021, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 3,58% GDP, đồng thời góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, đã đến lúc cần xem bất động sản là một hàng hóa để có cái nhìn khách quan. Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng room tín dụng cả năm 2022 thêm 1 – 2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15 – 16%) thì sẽ có thêm trên dưới 200.000 tỉ đồng đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Theo ước tính của Công ty chứng khoán KB Việt Nam, trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức room mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2% so với đầu năm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể có một đợt nới room nữa từ 0,5 – 1,2% để đạt mục tiêu cả năm 14%. Nhưng không quá kỳ vọng vào đợt nâng này do Ngân hàng Nhà nước vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỉ giá mà việc vừa ổn định tỉ giá, vừa ổn định lãi suất là điều bất khả thi.
Nguồn: Báo Thanh Niên