CHIẾN LƯỢC TIÊM TRỘN VACCINE MỞ LỐI MỚI CHỐNG COVID-19

25/06/2021

Giới khoa học hy vọng chiến lược tiêm kết hợp nhiều loại vaccine Covid-19 sẽ giúp giải quyết các vấn đề hậu cần, thậm chí tạo miễn dịch tốt hơn.

Trên khắp thế giới, các hãng dược phẩm khác nhau đã phát triển vaccine Covid-19 bằng những cách không giống nhau. Pfizer-BioNTech và Moderna tạo ra các vaccine sử dụng công nghệ mRNA, trong khi AstraZeneca cùng Đại học Oxford và Johnson & Johnson áp dụng công nghệ vector virus.

Hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng một loại vaccine cho mỗi người tiêm, nhưng điều này đang dần thay đổi, khi một số chuyên gia tin rằng việc chuyển đổi sang loại vaccine khác ở liều tiêm thứ hai có thể tăng cường khả năng miễn dịch và một số nghiên cứu y tế đang được tiến hành.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 22/6 đã được tiêm vaccine của hãng dược Mỹ Moderna, hai tháng sau khi bà tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine của AstraZeneca, khi một số nghiên cứu cho thấy kết hợp hai vaccine sẽ hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu nhỏ của Anh về kết hợp vaccine cho thấy những người được tiêm Pfizer sau mũi AstraZeneca, hoặc ngược lại, có nhiều khả năng xuất hiện triệu chứng sau tiêm chủng nhẹ hoặc trung bình hơn so với khi được tiêm hai liều cùng loại.

Theo các nhà khoa học, có một số cơ sở để lập luận rằng việc tiêm hai vaccine Covid-19 khác nhau giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn so với tiêm cả hai liều từ một hãng. Đặc biệt, chiến lược này còn có thể bảo vệ mọi người tốt hơn trước các biến chủng virus mới.

Mỗi công ty sản xuất vaccine sử dụng các đoạn protein gai nCoV khác nhau trong công thức của họ. Do hệ miễn dịch của con người phản ứng với các protein gai này để tạo ra kháng thể chống virus, việc tiếp xúc với những đoạn protein gai khác nhau được cho là giúp cơ thể sản sinh một loạt kháng thể tương ứng, từ đó có thể bảo vệ cơ thể tốt hơn, tăng khả năng chống lại những biến chủng do protein gai bị đột biến.

Các công nghệ phát triển vaccine khác nhau cũng được cho là kích hoạt những khả năng độc đáo của hệ miễn dịch, bởi những đoạn protein gai không giống nhau mà chúng sử dụng.

Vaccine Pfizer và Moderna đều chứa một đoạn mRNA, đóng vai trò là vật liệu di truyền chỉ đạo việc sản sinh protein gai nCoV trong cơ thể. Hệ miễn dịch của người tiêm sau đó sẽ nhận ra protein gai ngoại lai này và tạo ra kháng thể chống lại nó.

Nhân viên y tế chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca tại Sidcup, phía đông nam London, Anh, hôm 7/1. Ảnh: AFP.

Một số vaccine Covid-19 khác lại dựa vào vector virus. Trong công nghệ này, các nhà nghiên cứu sửa đổi một virus adeno, loại virus cảm cúm thông thường mang gene của một chủng virus corona, để chúng không thể tái tạo. Virus này sau đó đóng vai trò là vector đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.

Ngoài Johnson & Johnson và AstraZeneca, vaccine Sputnik V của Nga và CanSino của Trung Quốc cũng sử dụng công nghệ vector virus. Tuy nhiên, trong công nghệ này, hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng hình thành phản ứng miễn dịch với chính vaccine chứa vector virus, làm giảm mức độ hiệu quả chống lại nCoV.

Do đó, giới chuyên gia hy vọng việc kết hợp các loại vaccine khác nhau, như sử dụng một vaccine dựa trên mRNA, hoặc loại bao gồm một vector virus khác làm liều thứ hai, có thể giúp giảm bớt nguy cơ đó.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đang được tiến hành, đối với cả động vật và người, nhằm điều tra mức độ an toàn, các loại phản ứng miễn dịch được tạo ra và thời gian tồn tại khả năng miễn dịch khi một người tiêm hai loại vaccine Covid-19 khác nhau.

Kết quả một thử nghiệm ở Tây Ban Nha do Viện Y tế Carlos III ở Madrid tiến hành với 663 người tham gia, chứng minh việc tiêm cả vaccine AstraZeneca và Pfizer đã kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Theo kết quả thử nghiệm được công bố hôm 18/5, 2/3 nhóm thử nghiệm được tiêm liều thứ hai bằng vaccine Pfizer ít nhất 8 tuần sau khi tiêm liều thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca đã sản sinh kháng thể cao hơn nhiều so với trước đó. Các kháng thể này có khả năng nhận biết và vô hiệu hóa nCoV trong các thí nghiệm.

Trong khi đó, nhóm đối chứng với 1/3 số người tham gia không tiêm liều thứ hai và không có sự thay đổi nào về mức độ kháng thể.

Kết quả sơ bộ từ một nghiên cứu của Đức cũng cho thấy việc tiêm vaccine AstraZeneca trước, sau đó tiêm liều thứ hai của Pfizer giúp tạo ra nhiều kháng thể hơn, cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn trước các biến chủng virus đáng lo ngại, so với việc tiêm hai liều AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford của Anh cũng đang thử nghiệm tính an toàn và hiệu quả của việc kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer. Các phát hiện ban đầu cho thấy những người tiêm mỗi loại một liều chỉ gặp phản ứng phụ nhẹ nhàng hơn so với những người tiêm hai liều cùng loại.

Kết quả cuối cùng của nghiên cứu, bao gồm mức độ hiệu quả của cách làm này, dự kiến được công bố trong tháng 6. Một nghiên cứu mở rộng đang thử nghiệm kết hợp giữa các vaccine từ hai hãng dược phẩm Mỹ Moderna và Novavax.

Lo ngại về các biến chủng nCoV mới, có khả năng lây lan mạnh hơn, được cho là một trong những lý do thúc đẩy việc xem xét chiến lược kết hợp vaccine. Misha Ketchell, biên tập viên nghiên cứu về bệnh học tại Conversation, cho biết việc sử dụng các vaccine nhắm đến những biến chủng khác nhau sẽ tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng rộng rãi, hạn chế khả năng xuất hiện biến chủng virus mới có thể nguy hiểm hơn. Các biến chủng nCoV mới còn đặt ra khả năng những người đã tiêm đầy đủ cũng sẽ cần đến liều thứ ba.

Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ mới chỉ cho phép tiêm kết hợp vaccine của Pfizer và Moderna “trong những trường hợp ngoại lệ”, như nguồn vaccine hạn chế hoặc người tiêm không biết mũi đầu tiên của mình là loại nào.

Cơ quan y tế cộng đồng Canada gần đây cũng đồng ý kết hợp các vaccine Covid-19 khác nhau, nếu vấn đề về nguồn cung khiến người dân không thể tiêm được liều thứ hai cùng loại với liều đầu tiên. Các nước EU vẫn chờ thêm kết quả nghiên cứu trước khi quyết định có cho tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau hay không.

Ngoài việc giúp phác đồ tiêm chủng trở nên linh hoạt hơn, lợi ích rõ ràng nhất của chiến lược kết hợp vaccine là giúp giải quyết những vấn đề về hậu cần, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới triển khai tiêm chủng chậm hoặc thiếu nhất quán do thiếu nguồn cung vaccine, khả năng tiếp cận không đồng đều, hoặc người dân lo ngại về mức độ an toàn của từng loại vaccine nhất định.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sự kết hợp nhiều loại vaccine Covid-19 sẽ khắc phục được tình trạng này. “Khi mọi người không ngần ngại tiêm bất cứ vaccine nào có sẵn, tốc độ tiêm chủng toàn cầu sẽ được đẩy nhanh, mở ra cơ hội chấm dứt đại dịch”, Ketchell nhận định.

Nguồn: vnexpress