NHẬN DIỆN NHỮNG ĐÒN BẨY THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN 2019

12/11/2018

Dù thị trường bất động sản năm 2018 xuất hiện những nút thắt, nhưng theo các chuyên gia, cơ hội phát triển vẫn còn lớn khi các đòn bẩy mới được đánh giá đủ sức kích thị trường đi lên trong năm 2019 tới đây.

 
Thị trường bất động sản Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều lợi thế để tăng trưởng tốt hơn trong năm 2019.

Nhận diện cơ hội và thách thức

Chia sẻ về những lợi thế của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, lợi thế hiện nay còn rất nhiều. Đơn cử, hiện Việt Nam đang có khoảng 96 triệu dân, tốc độ đô thị hóa khá nhanh và làn sóng người dân nông thôn di chuyển lên thành phố lập nghiệp ngày càng lớn. Đây là cơ hội cho thị trường nhà ở tại các thành phố lớn, giúp nhà đầu tư có sự định hướng về sản phẩm và phân khúc thị trường để phát triển.

Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính hết năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tích lũy trong giai đoạn 10 năm qua đạt xấp xỉ 318 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt 53,2 tỷ USD đạt 16,7%. Điều này cho thấy, thị trường bất động sản đang là “bánh ngon” của dòng vốn ngoại, tạo ra sự phát triển vững chắc cho thị trường.

Thêm vào đó, ông Nam cho rằng, việc 3 sắc luật sửa đổi là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng được ban hành đã tạo cho thị trường độ mở để phát triển mạnh hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã có sự khôn khéo, linh hoạt hơn trong việc phát triển sản phẩm, tránh đi phải vết xe đổ của thị trường giai đoạn 2008 – 2013, còn người dân cũng bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong việc mua bán, đầu tư vào bất động sản, giúp thị trường ngày càng phát triển bền vững. Có thể thấy, từ năm 2014 đến nay, các dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng nhiều hơn khi cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp sát với nhu cầu ở thực của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Nam, ngoài những điểm mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những khó khăn nhất định. Đơn cử, đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng.

Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ đã có biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường địa ốc, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Một yếu tố không an toàn, đó là dư nợ ở các doanh nghiệp nhỏ đang tập trung khoảng 40% và dễ gặp khó nếu như các khoản vay bị hạn chế và dừng lại.

“Việc hạn chế nguồn vay của các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam, bởi khi đó doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay với các doanh nghiệp ngoại để cùng phát triển dự án”, ông Nam nhận định.

Sẽ tiếp tục phát triển

Dù còn những điểm nghẽn và khó khăn, nhưng đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản, ông Nam cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian dài nữa.

“Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, tại thị trường Hà Nội và TP.HCM có tổng hàng hóa đưa ra khoảng 60.000 đơn vị nhà ở, lượng giao dịch thành công khoảng 41.000 sản phẩm, trong khi cả năm 2015, con số giao dịch thành công dưới 40.000 sản phẩm. Giao dịch tăng, nhưng giá không tăng mạnh, không có cảnh sốt nóng, trong khi số lượng người mua chuyển về sinh sống tại các dự án chiếm tỷ lệ cao. Đây là những chỉ số để đưa ra nhận định rằng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo”, ông Nam nói.

Cũng theo thông tin từ ông Nam, trung tâm nghiên cứu bất động sản của Thái Lan có làm nghiên cứu tại thị trường Hà Nội và kết quả cho thấy, các dự án bán hết sản phẩm trong 23 tháng. Đặc biệt, với dự án nhà ở có giá dưới 20 triệu đồng/m2, bán hết trong vòng 6 tháng. Đây là con số rất đáng mơ ước của các nước Đông Nam Á.

Theo ông Nam, nguồn cầu và cung vẫn rất lớn và thanh khoản vẫn tốt nếu doanh nghiệp chọn được đúng vị trí, cơ cấu hàng hóa và thời điểm để phát triển dự án, cũng như tận dụng tốt nguồn vốn ngoại.

Đồng quan điểm, ông Châu cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có sự phát triển khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm 2018 đến Tết Kỷ Hợi (2019). Đây cũng là giai đoạn cao điểm của thị trường bất động sản trong năm. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Trong khi, phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2019. Do vậy, các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm đưa ra thị trường.

Theo ông Châu, sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Trong đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm TP.HCM được hưởng lợi thế “độc quyền”, vì thành phố này đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020.

Ngoài ra, xu thế xây dựng khu dân cư thông minh, tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường, an ninh, an toàn trước hết là về phòng cháy chữa cháy sẽ rất được coi trọng.

Những đòn bẩy cho năm 2019

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường sẽ có những phát triển mới trong năm 2019 ở tất cả các phân khúc nhờ vào nhiều đòn bẩy.

Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Thức, Quản lý cấp cao Công ty CBRE Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là nước dẫn đầu về phát triển cơ sở hạ tầng. Không chỉ là hạ tầng về giao thông, mà còn ở đầu tư, nâng cấp các sân bay quốc tế ở các địa phương trọng điểm du lịch như Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn… Điều này sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội đón nhiều khách du lịch quốc tế hơn, tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.

Giai đoạn từ 2018 – 2020, TP HCM chi 96.000 tỷ làm cao tốc và mở rộng đường để giảm kẹt xe. Ảnh: Nút giao Mỹ Thủy (Q.2).

Trong khi đó, về phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing cao cấp của VSIP khu vực miền Bắc và miền Trung cho rằng, thị trường đang đón nhận những thông tin khá tốt khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được các thành viên thông qua để chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018. Điều này sẽ tạo cơ hội cho phân khúc bất động sản công nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp đa quốc gia sẽ chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để được hưởng lợi ở thuế quan khi xuất hàng sang những nước thành viên CPTPP. Làn sóng dịch chuyển này đã bắt đầu từ đầu năm 2018 và hướng chủ yếu vào các khu công nghiệp phía Nam.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ khiến làn sóng di tản của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó đặc biệt là Việt Nam để đặt nhà máy nhằm tránh những ảnh hưởng không tích cực từ cuộc chiến thương mại này.

“Đây là cơ hội khá lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp. Một lợi thế nữa cho ngành này là lĩnh vực logistic đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam, tạo đòn bẩy cho bất động sản công nghiệp”, ông Toàn nói.

Còn ông Adam Bury, Giám đốc Bộ phận Tư vấn đầu tư khách sạn tại châu Á – Thái Bình Dương của JLL cho rằng, hiện nay, đang có một làn sóng đổ bộ của các doanh nghiệp vận hành khách sạn chuyên nghiệp quốc tế vào Việt Nam. Những doanh nghiệp này hội tụ đủ những điều mà thị trường Việt Nam đang thiếu, đó là tính chuyên nghiệp trong vận hàng, cách quản lý, cách lấy khách hàng và ngay cả việc phục vụ cũng là một điểm lợi thế mà những doanh nghiệp quản lý vận hành khách sạn quốc tế vốn đang rất mạnh. Đây sẽ là tiền đề giúp thị trường bất động sản khách sạn phát triển mạnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, nhiều ý kiến từ các chuyên gia còn cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy mạnh, cùng hành lang pháp lý được hoàn thiện, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định cũng chính là những đòn bẩy cho thị trường bất động sản phát triển tốt trở lại trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

(Trích theo nguồn: Tinnhanhchungkhoan)