TẾT TRUNG THU – NGHĨ VỀ VỊ THẾ ĐỒ CHƠI DÂN GIAN VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC

18/09/2020

Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu trong tâm tưởng người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng là Tết đoàn viên. Đây là dịp để cả gia đình đoàn viên, quây quần bên nhau. Đây cũng là dịp để ông bà, bố mẹ thể hiện tình yêu thương cho con trẻ, để cùng con trẻ tìm về cội nguồn xưa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua các câu chuyện dân gian và các đồ vật, trò chơi mang ý nghĩa văn hoá, phong tục đặc sắc.

Các món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam thường gắn liền với nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, đều được làm thủ công từ những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, cây cối. Đặc điểm chung của đồ chơi truyền thống là rực rỡ, nhiều màu sắc, tưởng cầu kỳ mà thực chất lại vô cùng đơn giản. Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.

Nhắc đến rước đèn Trung thu không thể không nghĩ ngay tới chiếc đèn ông sao. Đèn ông sao là chiếc đèn trung thu quen thuộc với tất cả các thế hệ người Việt mỗi rằm Tháng 8 hằng năm. Dù một số đồ chơi trung thu truyền thống dần mai một, nhưng đèn ông sao vẫn hiện hữu và luôn là món quà ý nghĩa dành cho trẻ thơ trong dịp trung thu.

Đèn ông sao là vật trang trí không thể thiếu ở các lễ hội mừng đêm Trung thu tại PhoDong Village.

Ngoài đèn ông sao thì đèn cù, đèn lồng xếp giấy là một trong số ít món đồ chơi trung thu truyền thống của Việt Nam còn được lưu giữ và yêu thích đến ngày nay. Những chiếc đèn lồng làm bằng giấy màu đủ loại đủ sắc, hoặc những chiếc đèn lồng tự chế từ vỏ lon, vỏ hộp, thậm chí là vỏ bưởi đã là những nét văn hoá không thể phai nhạt của thế hệ 7x, 8x người Việt Nam.

Những chiếc đèn lồng được giăng khắp nơi tại PhoDong Village chào đón các bạn nhỏ trong Tết Trung thu.

Ngày nay trẻ con thường tung tăng các chiếc đèn lồng hiện đại chạy pin, có thể chớp đèn và tự vang lên các bài nhạc rộn ràng, nhưng hình ảnh trẻ em Việt Nam hào hứng giơ cao những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng với ánh nến lung linh rồi nghêu ngao hát: “Chiếc đèn ông sao, sao 5 cánh tươi màu…” là một hình ảnh đẹp không bao giờ phai.

Đèn lồng giấy được trang trí tại các cảnh khu tại PhoDong Village trong dịp Tết Trung thu.

Bên cạnh trang trí đèn lồng, đèn ông sao, PhoDong Village còn tổ chức cuộc thi rước đèn Trung thu với các chiếc đèn thủ công xinh xắn mà các bé cùng bố mẹ tự tay trang trí, cắt dán.

Đèn kéo quân cũng là món đồ chơi truyền thống quen thuộc ở Việt Nam mỗi dịp đoàn viên. Đèn kéo quân là món đồ chơi độc đáo, được ví như một màn diễn rối bóng tự động vì các “quân” được đặt ngay ngắn trong lồng đèn, sẽ di chuyển một cách kỳ diệu khi đèn kéo quân được thắp sáng. Khi thắp nến, những hình ảnh tượng trưng cho “quân” được vẽ, cắt hoặc dán trong đèn sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng do lực đẩy của luồng khí nóng tạo ra từ ngọn lửa. Đây là món đồ chơi “vui mà học”, ông bà xưa hay dùng để kể cho con cháu về lịch sử, về lòng yêu nước thông qua hình ảnh những đoàn quân xung trận được dán xung quanh đèn. Sau đó, các “quân” được cải tiến, phong phú, đa dạng hơn như: ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu.

Đèn kéo quân cũng là món đồ chơi truyền thống quen thuộc ở Việt Nam mỗi dịp đoàn viên.

Thời xưa, có biết bao trẻ nhỏ say mê với đèn kéo quân vì sự nhiệm màu, độc đáo. Ngày nay, đèn kéo quân được cải tiến không chỉ thắp bằng nến mà còn được thắp sáng bằng pin hoặc đơn giản mô phỏng để làm các kiểu hộp đựng bánh trung thu.

Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu truyền thống “đánh thức” sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì con giống bột hay còn gọi là tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Con giống bột – tò he – là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu, nặn ra từ bột gạo nếp và đường.

Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.

Sau này, một số chiếc tò he hình con chim, con công, con gà… được gắn thêm một chiếc còi để thêm thu hút sự chú ý của trẻ con. Khi thổi phát ra tiếng “tò te”, nên vài người địa phương cũng hay gọi nhầm món đồ chơi này thành con tò te.

Con giống bột – tò he – là thế giới trẻ thơ muôn màu sắc, đầy ngộ nghĩnh được PhoDong Village mang đến cho các em thiếu nhi.

Ngoài những câu hát dân gian, bài đồng dao, tiếng kể chuyện bên đèn kéo quân, hay tiếng “tò te” của những chiếc kèn tinh xảo, thì Tết Trung thu còn tưng bừng, rộn ràng bởi những âm thanh “cắc”, “tùng”, “boong” mang đầy hương vị đặc trưng của ngày đoàn viên này. Là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích, hình ảnh các đứa trẻ đánh trống ếch, lắc trống tay đầy phấn chấn, tưng bừng là hình ảnh thường thấy trong các đoàn rước đèn trung thu của trẻ em Việt Nam ngày xưa.

Trống ếch là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích.

Mỗi chiếc trống, mỗi chiếc đèn, mỗi con tò he được làm ra là sự kết tinh mồ hôi, công sức, tinh thần hăng say lao động, lòng nhiệt huyết của những người thợ thủ công mà chúng ta phải gọi họ là những nghệ nhân thực thụ, ấp ủ say mê về một nét nghệ thuật truyền thừa từ ông cha và vẫn mải miệt mài lao động để bảo tồn những sáng tạo mang tính dân tộc đó.

Vui Tết Trung thu, ngoài những chiếc bánh dẻo, bánh nướng, mâm ngũ quả… thì những món đồ chơi truyền thống là thứ không thể thiếu để tạo nên linh hồn của đêm hội trăng rằm. Ngày nay có nhiều đồ chơi hiện đại nhưng các món đồ chơi truyền thống vẫn được nhiều người tìm về để tiếp nối ý nghĩa, văn hoá của ông cha ta.

PhoDong Village vẫn luôn hướng đến tiếp nối ý nghĩa, văn hoá của ông cha ta qua các hoạt động cộng đồng tổ chức cho cư dân vào các dịp Lễ, Tết.

Những năm gần đây, nhiều hoạt động giới thiệu về văn hoá dân tộc, đồ chơi dân gian truyền thống được Chủ đầu tư SCC của Khu đô thị kiểu mẫu PhoDong Village tổ chức vào dịp Trung thu nói riêng và các ngày Lễ, Tết nói chung, đã thu hút đông đảo cư dân tham gia, khám phá và tìm hiểu.

Bố và con gái cùng nhau làm chiếc đèn ông sao thủ công để tham dự cuộc thi rước đèn Trung thu tại PhoDong Village.

Chủ đầu tư SCC của Khu đô thị kiểu mẫu PhoDong Village luôn chú trọng vào các hoạt động vui chơi hướng về nét đẹp văn hoá dân tộc dành cho các bạn nhỏ.

Những chiếc đèn lồng đầy màu sắc được các cư dân PhoDong Village cùng với các em thiếu nhi tỉ mỉ chăm chút suốt cả ngày dài trước buổi rước đèn.

Hy vọng những món quà tinh thần, biểu tượng của Trung thu gắn với ký ức tuổi thơ của các thế hệ người Việt được lưu giữ và bảo tồn như thế này sẽ giúp các bậc phụ huynh, các em thiếu nhi và cộng đồng cư dân tại PhoDong Village hiểu thêm về vẻ đẹp văn hóa dân gian, về đêm Rằm tháng Tám mang bản sắc, phong tục truyền thống người Việt Nam.

SCC.